Ban đầu việc sống thử được coi là quan điểm lệch lạc và đã làm hạ thấp tầm quan trọng của hôn nhân, nhưng quan điểm này bắt đầu có những thay đổi ở các nước phát triển, dần về sau đã lan rộng sang nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Hiện nay quan điểm này đã được giới trẻ biết đến nhiều hơn, được chấp nhận một cách hiển nhiên hơn nhưng cũng là chủ đề đưa lên diễn đàn nhiều hơn.
Thời sinh viên, tôi rất nhớ câu chuyện về cặp đôi cùng lớp ngay khi nhập học đã nhanh chóng phải lòng và đã đến với nhau, sau đó cũng một thời gian thì bắt đầu vào hành trình “Sống Thử”.
Bản thân sinh viên chúng tôi cũng không quá khó chịu hay kỳ thị việc đó vì đó là vấn đề cá nhân và thật ra đôi đó sống ở ngoài trường còn chúng tôi sống ở ký túc xá, những mối quan tâm khác nhau.
Sau một thời gian hai người ấy đã kết thúc cùng những mâu thuẫn, nhưng mọi chuyện bắt đầu trở nên xôn xao khi người con gái nhanh chóng chuyển sang mối quan hệ khác nhưng lại chính là người bạn thân của bạn trai, và cũng học cùng lớp chúng tôi. Tôi nghe nói hai người con trai đó gần như đã trưởng thành cùng nhau từ thửa thiếu thời.
Mỗi khi lên lớp luôn là một cảm giác gì đó giữa ba người, xa cách và ngại ngùng. Phải đến tận năm cuối đại học chúng tôi mới thấy hai người bạn trai có chút tương tác qua lại với nhau, dù sao thì cũng đến lúc họ sẽ rời xa nơi đây.
Có lẽ khi nói đến sống thử chúng ta luôn nghĩ rằng người con gái sẽ là thiệt thòi, nhưng trong câu chuyện này dưới con mắt của chúng tôi thì người con trai đầu tiên trong mối tình đó cũng dường như đang chất chứa rất nhiều những nỗi buồn.
BẠN ĐÃ HIỂU VỀ “SỐNG THỬ”
Trong một lần trao đổi về chủ đề “Sống Thử” thì tôi chợt nhớ đến những người bạn của mình, những người từng có quãng thời gian yêu đương nồng nhiệt thời sinh viên, những người đã cho bản thân cơ hội được thử trải nghiệm thứ tình yêu nam nữ theo cách thân thiết và gần gũi hơn rất nhiều so với những người bạn đồng trang lứa.
Hiểu một cách đơn giản nghĩa đầy đủ của “Sống Thử Trước Hôn Nhân” hay gọi tắt là “Sống Thử” được xét là một hiện tượng xã hội, trong đó các cặp đôi có tình cảm với nhau sẽ về sống chung như vợ chồng nhưng chưa tổ chức hôn lễ cũng như chưa đăng ký kết hôn. Sống thử có thể với những cặp đôi nam nữ, cặp đôi cùng giới hoặc các cặp đôi thuộc giới tính khác.
Thực tế hiện nay cũng đã có rất nhiều bộ phim tình cảm như Hàn Quốc, Trung Quốc,… hướng đến chủ đề nam nữ chính yêu đương có cơ hội được ở với nhau trong cùng một mái nhà, những tương tác dễ thương của họ đã dần khiến khán giả trẻ cảm thấy cảm xúc được sống cùng với người mình yêu hẳn sẽ thật tuyệt vời.
Sống bên nhau nhưng không có những ràng buộc pháp lý, gọi là sống thử nhưng thật ra hành vi sống với nhau lại là thật, những cảm xúc, những lợi ích cũng như hệ lụy và những hậu quả của quá trình sống thử là thật.
“SỐNG THỬ” CÓ GIÚP MỐI QUAN HỆ BỀN VỮNG ?
Đã có rất nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau về sống thử để tìm ra mối liên quan giữa sống thử và các vụ ly hôn. Có thực sự việc sống thử là cứu cánh cho những cuộc hôn nhân tan vỡ trong tương lai.
Có phải là đúng như châm ngôn sống thử, mỗi chúng ta có thời gian tìm hiểu về đối phương theo cách sống gắn bó thân thiết để có thể hiểu kỹ hơn về hành vi, về con người thật của đối phương cũng như sự đồng diệu trong tâm hồn và tình dục. Để cả hai có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt rằng người này có thật sự sẽ phù hợp và xứng đáng để đi cùng mình xuyên suốt phần đời còn lại hay không.
Ở Mỹ trước năm 1970 Sống thử trước hôn nhân vốn rất hiếm diễn ra và bị kỳ thị, nhưng đến những năm 2000 thì sự kỳ thị đối với việc sống thử trước hôn nhân gần như đã biến mất (Smock 2000).
Trong một nghiên cứu của Michael J. Rosenfeld năm 2018 nhận thấy rằng việc một cặp đôi trải qua sống thử trước hôn nhân có tỷ lệ ly hôn thấp hơn nhiều những cặp đôi không sống thử trong 5 năm đầu tiên. Phải chăng kinh nghiệm đã giúp họ bớt giai đoạn một năm đầu bỡ ngỡ, vậy nhưng có bao nhiêu cặp đôi sống thử sẽ đi đến hôn nhân ?
Và cũng thật thú vị rằng theo thời gian khi hôn nhân kéo dài đến 10 năm, 15 năm hoặc 20 năm thì cặp đôi không sống thử đã theo kịp kinh nghiệm và tỷ lệ ly hôn lại thấp hơn hẳn cặp đã sống thử. Việc sống thử có ý nghĩa ngắn hạn cho mối quan hệ, nhưng khi đã trải qua thời gian dài thử thách thì nó lại không chắc chắn giữ được sự bền vững đó.
Những người đã từng sống thử thường rất có thể sẽ tiếp tục sống thử ở những mối quan hệ khác khi chia tay mối tình trước đó. Giống như những người bạn của tôi đã được nhắc ở đầu bài viết. Cô gái rất nhanh chóng đến với người sau và họ lại tiếp tục sống cùng nhau.
Câu hỏi đặt ra đó là có phải chăng những người này tư duy và quan điểm sống cũng phóng khoáng hơn so với những người không sống thử?
Có nghĩa bản thân họ có khả năng sẽ dễ dàng chia tay hoặc khi đã kết hôn thì sẽ dễ nghĩ đến ly hôn hơn so với những người chưa từng sống thử, người mà có thể thậm chí không hề nghĩ đến việc sẽ ly hôn.
HẬU QUẢ CỦA VIỆC SỐNG THỬ TRƯỚC HÔN NHÂN
Việc sống thử giữa người nam và người nữ khi chưa kết hôn có thể gây ra những hệ lụy đáng chú ý trong mối quan hệ và cuộc sống cá nhân mà bạn cần xem xét.
Một trong những hệ lụy chính là sự mất mát về mặt tình cảm và sự tổn thương. Đã có những cặp đôi sống với nhau 3 năm, 5 năm thậm chí là 7 năm nhưng lại không hề có sự cam kết hoặc trao đổi với nhau về khoảng thời gian nào sẽ dẫn đến hôn nhân. Sẽ đến giai đoạn sống vì sự quen thuộc nhiều hơn là tình cảm. Điều này có thể dẫn đến những cảm xúc không ổn định, sự bất an và sự đau đớn khi mối quan hệ tan vỡ.
Hơn nữa, sống thử cũng có thể gây ra xung đột và bất đồng quan điểm trong mối quan hệ. Một bên có thể mong đợi một cam kết lâu dài và hướng đến hôn nhân, trong khi bên kia có thể chỉ muốn tận hưởng mối quan hệ tạm thời. Và theo quan sát hiện nay thì phụ nữ nặng tình sẽ thường chịu thiệt thòi hơn. Điều này có thể tạo ra sự căng thẳng và không cân bằng trong mối quan hệ, gây khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận và sự hiểu biết đúng mức giữa hai bên.
Hệ lụy tiếp theo của việc sống thử là mất đi sự trân trọng và ý nghĩa của hôn nhân. Trong một xã hội nơi tình yêu và hôn nhân được coi là tình cảm cao quý và cam kết đặc biệt, sống thử có thể làm giảm giá trị và ý nghĩa của hôn nhân. Việc trải qua nhiều mối quan hệ tạm thời có thể làm mất đi sự đặc biệt và ý nghĩa của việc chọn một người đối tác trọn đời và cam kết với họ.
Hơn nữa, sống thử cũng có thể dẫn đến mất đi sự tôn trọng và tin tưởng trong mối quan hệ. Khi tiếp tục sống thử với nhiều đối tác khác nhau, có thể dẫn đến việc xem thường tình cảm và không đặt mối quan hệ trên tầm quan trọng cao, coi việc đối phương sống ở đó phải chăm sóc mình, phục vụ mình như là điều đương nhiên. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng xây dựng sự tin tưởng và sự ổn định trong mối quan hệ tương lai.
Quan trọng hơn nữa đã có rất nhiều vụ bạo hành, lạm dụng tình dục hoặc tình dục không an toàn dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn, tâm lý chưa sẵn sàng với mối quan hệ lâu dài khiến cho đứa trẻ không được chào đón hoặc thậm chí phải đi phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này của người phụ nữ.
Và giai đoạn độc thân là cơ hội để học tập, để sống, để phấn đấu và làm những điều bạn muốn, vậy tại sao không tận hưởng hết mình với điều đó mà lại dành thời gian của mình đi cung phụng một người khác. Tất cả những lời nói như “Trao cho nhau để thể hiện tình yêu”, “Yêu nhau phải dâng hiến hết cho nhau”,…. là hoàn toàn vô căn cứ.
CÓ NÊN “SỐNG THỬ” HAY KHÔNG?
Sống thử là cách thức để hai người có khoảng thời gian để thích nghi với việc có một người khác xuất hiện trong cuộc đời của mình, và từ nay bản thân mình sẽ cần chia sẻ những việc chung như vấn đề dọn dẹp chung, vấn đề chi tiêu chung, vấn đề về quan hệ tình dục phù hợp,…
Đồng thời với đó là bản thân lại không phải chịu những áp lực mà cặp vợ chồng mới cưới cần có như mối quan hệ với gia đình hai bên, áp lực về con cái, áp lực về việc xây dựng nhà cửa. Trong mối quan hệ sống thử, dù rằng cùng nhau làm nhiều việc nhưng có nhiều mục vẫn được cả hai thỏa thuận riêng.
Có hôm mình đã vô tình thấy một video về xu thế mới ở Nhật nhiều người đã sống cùng nhau dù rất nhiều năm đến độ tuổi trung niên rồi, có con lớn nhưng vẫn không hề nghĩ đến đăng ký kết hôn. Bởi vì họ không muốn đổi họ, không muốn có quá nhiều rắc rối pháp lý khi hai người sống cùng nhau.
Vậy tại sao việc sống thử dù nhiều hậu quả nhưng có vẻ cũng mang lại một số lợi ích ngắn hạn nhất định, vậy mà lại mang những ý kiến trái chiều nhiều đến vậy, làn sóng tranh luận giữa những thành viên đã trưởng thành và cả giới trẻ với nhau.
Mục tiêu ban đầu của sống thử chính là để hướng tới sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa hai người, cả hai đều được quyết định mình muốn và làm gì với mình và với mối quan hệ cặp đôi. Và đồng thời giúp hai người đơn độc đến với nhau tránh bị sốc trong một mối quan hệ hôn nhân với rất nhiều những gánh nặng trách nhiệm quan trọng mà thiếu đi sự chuẩn bị.
Nó gần như đã trở thành điều tất yếu đến từ yếu tố xã hội rằng các bạn trẻ Việt Nam đang thiếu đi những kỹ năng cơ bản của việc kết nối mối quan hệ và việc tự độc lập trong cuộc sống của mình.
Khi chung sống chúng ta vô tình để bản thân phụ thuộc vào đối phương có thể về mặt cảm xúc, kinh tế hoặc tình dục. Những mối tình đổ vỡ nhiều hơn là đi tới cam kết lâu dài tạo nên cảm giác sợ hãi sự ràng buộc.
Và có phải chăng điều lớn nhất là nhiều người đã đồng ý sống cùng nhau để thỏa mãn dục vọng cá nhân, duy trì cảm giác gần gũi nhất thời mà quên đi điểm cốt lõi là sự trao đổi, quy tắc rõ ràng khi sống cùng nhau, định hướng của tương lai và có bao nhiêu người có thể trả lời câu hỏi thời gian sống thử trước hôn nhân là bao lâu?
KẾT LUẬN
Có thể bạn sẽ mong muốn một câu trả lời cho việc nên hay không nên sống thử trước hôn nhân ? Bạn lưu ý rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân và sống thử trước hôn nhân là hai phạm trù khác nhau nhé.
Nếu trong thời gian tìm hiểu rất dài, một trong hai người né tránh nói về sự lâu dài của mối quan hệ. Hoặc thiếu đi sự thể hiện gắn bó như việc gặp gỡ người thân, bạn bè của đối phương hoặc thiếu đi sự hỗ trợ trong đời sống của hai người thì thực sự việc sống thử này là điều không nên diễn ra hoặc đang diễn ra thì nên dừng lại.
Khi tự bạn đã sẵn sàng và hai bên đã rõ ràng trong mối quan hệ, đã nghiêm túc tìm hiểu và bạn vẫn muốn lựa chọn sống thử để hiểu hơn về lối sống, sự phù hợp trong tình dục và muốn xin một lời khuyên thì bạn lưu ý thời gian sống cùng nhau khoảng dưới một năm trước khi đi đến hôn nhân sẽ có khả năng giúp mối quan hệ thực sự đi đến hôn nhân.
Trước đó cần trao đổi rõ ràng các điều khoản sống chung, thời gian sống thử, phân chia vai trò công việc và biện pháp quan hệ tình dục an toàn và tránh mang thai ngoài ý muốn.
Sống thử là thể hiện bạn độc lập, bạn tự chủ và có kiến thức để bảo vệ chính mình. Đặc biệt những bạn nữ cần biết bảo vệ mình với những vấn nạn về bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn đang phổ biến hiện nay.
Trong xã hội Việt Nam ngày nay thì sự khắt khe dành cho phụ nữ hoặc cho những mối quan hệ có xu hướng tình dục khác. Nhưng quan trọng nhất chính bạn cần giữ gìn được sự bình yên trong tâm mình.
Vậy nên nếu chưa thực sự sẵn sàng và bản thân chưa đủ các kiến thức để tự bảo vệ mình, chưa đủ kiến thức về cách thức sống và duy trì một mối quan hệ thì chắc chắn rằng bạn “không nên sống thử”.
Các mối quan hệ trong cuộc sống rất quan trọng, việc tìm được một người để yêu thương mình đến hết đời, hòa hợp cả về thể xác và tinh thần là rất quan trọng. Nếu hai người yêu thương nhau chân thành thì bạn có đồng ý sống thử hay không, đối phương cũng sẽ tôn trọng quyết định của bạn.
Khi còn có thể tự do hãy tận hưởng khoảng thời gian đó nhé !
By Hiền Tâm Lý !