Khi đối mặt với bi kịch bị xâm hại, bạn có biết nhiều nạn nhân bị xâm hại thường tự đổ lỗi cho chính mình thay vì nhận ra rằng họ là nạn nhân của một hành vi tội ác. Những suy nghĩ thường xuất hiện, tạo nên một vòng luẩn quẩn của cảm giác tội lỗi và xấu hổ với những câu tự vấn bản thân như :
- “Tại mình mặc váy ngắn quá”
- “Lẽ ra mình không nên đi một mình”
- “Mình đã không nên tin tưởng người đó”
- “Mình uống quá nhiều rượu”
- “Mình không nên ở lại muộn”
- “Mình nên nghe lời bố mẹ”
Nguyên nhân người bị xâm hại tình dục lựa chọn tự đổ lỗi cho bản thân
Tìm cách lý giải cho những gì đã xảy ra
Khi đối mặt với sự kiện đau thương như bị xâm hại, não bộ con người thường cố gắng tìm cách lý giải cho những gì đã xảy ra. Điều này dẫn đến việc nạn nhân có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân, tìm kiếm những hành động hay quyết định của mình có thể đã dẫn đến tình huống đó. Đây là một phản ứng tâm lý tự nhiên nhằm tìm kiếm ý nghĩa trong bi kịch.

Ảo tưởng về sự kiểm soát
Bằng cách nghĩ rằng hành động của mình dẫn đến sự việc, nạn nhân vô tình tự nhủ rằng họ có thể ngăn chặn điều tương tự xảy ra trong tương lai bằng cách thay đổi hành vi như việc mặc bộ quần áo kín đáo, không đi ra ngoài một mình, không tham gia vào các hoạt động tập thể,…. Điều này tạo ra cảm giác an toàn giả tạo trong một thế giới dường như không thể kiểm soát.
Né tránh những cảm xúc tiêu cực
Đôi khi, việc tự đổ lỗi là cách để né tránh những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ như sự bất lực, tức giận hay sợ hãi. Thay vì đối mặt với những cảm xúc đau đớn này, nạn nhân có thể chuyển hướng cảm xúc vào việc tự trách móc bản thân, điều mà đôi khi có thể dễ chịu hơn.
Sự đổ lỗi đến từ xã hội
Xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tâm lý tự đổ lỗi ở nạn nhân. Những câu hỏi như “Bạn mặc gì?” hay “Tại sao bạn ở đó vào giờ đó?” vô tình đặt trách nhiệm lên vai nạn nhân. Điều này củng cố niềm tin sai lầm rằng họ có thể đã làm điều gì đó để gây ra sự việc.
Bảo vệ mối quan hệ
Trong một số trường hợp, đặc biệt khi kẻ xâm hại là người quen, nạn nhân có thể tự đổ lỗi để bảo vệ mối quan hệ hoặc hình ảnh của người đó. Điều này thường xảy ra trong các tình huống gia đình hoặc khi kẻ xâm hại là người có vị trí quyền lực như bố mẹ, họ hàng, lãnh đạo. Họ sẽ hợp lý hóa cho hành vi của người kia để có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ độc hại này.

Né tránh đối đầu
Cuối cùng, tự đổ lỗi có thể là một cơ chế để tránh đối đầu với kẻ xâm hại hoặc hệ thống tư pháp. Nạn nhân có thể cảm thấy quá sợ hãi hoặc xấu hổ để đối mặt với tình huống, và việc tự đổ lỗi trở thành một cách để tránh phải hành động. Khi bản thân xuất hiện chia sẻ câu chuyện hoặc báo cáo về vấn đề xảy ra, có thể nạn nhân phải đối diện với rất nhiều những lời chất vấn không hồi kết hoặc phải nói ra câu chuyện của bản thân nhiều lần trong đau khổ.
Hành vi tự đổ lỗi trong cuộc sống hiện tại của nạn nhân bị xâm hại tình dục
Từ sau trải nghiệm bị xâm hại tình dục và nhận diện bản thân mình là người có lỗi thì vấn đề tự đổ lỗi còn trở thành một đặc điểm trong cuộc sống thường ngày, họ sẽ luôn tìm cách tự trách bản thân mỗi khi có những việc không như ý như:
- “Tại mình không học giỏi nên bị đuổi việc”
- “Mình không đủ tốt nên người yêu mới bỏ”
- “Mình không biết nói chuyện nên không có bạn”
Và điều này khiến nạn nhân rất thiệt thòi trong đời sống và các mối quan hệ. Khi đã tự trách bản thân thì sẽ rất khó để tập trung tìm ra giải pháp vượt qua.
Kết luận
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là tất cả những suy nghĩ tự đổ lỗi này đều là sai lầm, bạn có chắc chắn rằng nếu có biểu hiện khác đi thì kẻ xâm hại sẽ không nhằm đến bạn?. Trong trường hợp bị xâm hại, lỗi luôn thuộc về kẻ xâm hại. Họ là người chọn làm điều sai trái, không phải bạn.
Việc hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân và giáo dục cộng đồng về vấn đề này là rất cần thiết để thay đổi quan điểm và giúp nạn nhân vượt qua những suy nghĩ tự trách móc bản thân.
Phần lớn người bị xâm hại không chia sẻ câu chuyện nên rất nhiều cha mẹ, người thân không nhận ra. Nếu 1 biểu hiện chưa chắc là bị xâm hại, nhưng nếu 1 chuỗi biểu hiện thì tỷ lệ là rất cao. Vậy bạn có biết những biểu hiện tiếp theo là gì không, hãy chờ những bài tiếp tiếp theo của tôi nhé.
By Hiền Tâm Lý
Chuỗi bài viết Biểu hiện của nạn nhân bị xâm hại tình dục:
Biểu hiện 1: Tự đổ lỗi cho bản thân của nạn nhân bị xâm hại tình dục
Biểu hiện 2: Cảm giác bẩn thỉu và vô giá trị của nạn nhân bị xâm hại tình dục