Cuộc đời không phải lúc nào cũng êm đẹp và trải dài như một con đường thẳng tắp. Đôi khi, chúng ta phải đối mặt với những trải nghiệm đau thương, những vết thương lòng khó lấp. Một trong những tổn thương sâu sắc nhất là bị xâm hại tình dục, đặc biệt là cưỡng hiếp. Đây là một trải nghiệm khủng khiếp, để lại những vết sẹo tâm lý dai dẳng, làm tổn thương đến lòng tự trọng và niềm tin vào cuộc sống.
Những người phụ nữ trải qua cưỡng hiếp thường cảm thấy bản thân bị ô nhiễm, dơ bẩn, và không xứng đáng với tình yêu. Họ có xu hướng tự trách móc bản thân, cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Nhiều người trong số họ trở nên hoài nghi, sợ hãi và né tránh các mối quan hệ mới, ngay cả với những người thân thiết nhất.
Tại sao một người đã phải tự mình vượt qua thời điểm khủng khiếp nhất, phải khổ sở, dằn vặt và đã nghị lực đến dường nào để có tiếp tục tồn tại, lại trở nên e ngại trong một mối quan hệ mới và tự đổ lỗi cho chính mình đến vậy ?!
Định kiến xã hội với phụ nữ
Chúng ta luôn muốn được xã hội công nhận với hình ảnh tốt đẹp, được ghi nhận lòng tốt vì đã giúp đỡ một ai đó, nhưng thật sự có nhiều người không hề nhận ra rằng bản thân có định kiến, mà sẽ coi đó là kết quả khách quan, đánh giá độc lập dựa theo những kinh nghiệm của bản thân hoặc qua những quan sát tìm hiểu được.
Và nó diễn ra ở nhiều nơi nhiều khía cạnh của cuộc sống, gần đây khi một sao nam xứ Đài là Hạ Quân Tường đã yêu cầu vợ sinh mổ sớm chỉ vì không muốn con sinh vào cung Xử Nữ đã dấy lên một tranh luận rất gay gắt về các cung Hoàng Đạo, và của những người sinh vào cung Xử Nữ đối với thái độ của sao nam. Đó chính là thể hiện định kiến với cung Xử Nữ.
Theo Fischer “định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác tùy theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. Định kiến là một loại phân biệt đối xử bao gồm hai thành tố chính là nhận thức và ứng xử.”
Định kiến xã hội về sự “trong trắng” của phụ nữ trước khi kết hôn là một quan niệm lỗi thời nhưng vẫn tồn tại trong nhiều nền văn hóa. Bắt nguồn từ xã hội truyền thống và phụ hệ, định kiến này đánh giá giá trị của phụ nữ dựa trên tình trạng trinh tiết, tạo áp lực lớn và gây ra sự phân biệt đối xử. Đặc biệt đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục, nó càng gây ra cảm giác tội lỗi và xấu hổ không đáng có. Quan niệm này không chỉ hạn chế quyền tự do và tự quyết của phụ nữ mà còn tạo ra rào cản trong việc họ hồi phục tâm lý và xây dựng các mối quan hệ mới.
Quá trình hình thành định kiến
Để có thể hình thành lên định kiến nó sẽ đến từ hai yếu tố là quá trình xã hội hóa và bất bình đẳng xã hội.
Khi mô tả về người phụ nữ truyền thống người ta sẽ là hình ảnh dịu dàng, nhu mì và đoan trang. Họ được kỳ vọng là người phụ nữ đảm đang, khéo léo trong việc nhà và chăm sóc gia đình. Tính cách thường được coi là kiên nhẫn, biết hy sinh và đặt lợi ích gia đình lên trên bản thân. Về ngoại hình, họ thường ăn mặc kín đáo, giản dị với mái tóc dài gọn gàng. Trong xã hội, người phụ nữ truyền thống thường giữ vai trò hậu phương, ít tham gia các hoạt động công cộng, và được kỳ vọng giữ gìn “trinh tiết” trước hôn nhân cũng như lòng chung thủy sau khi kết hôn. Họ thường ưu tiên vai trò nội trợ và chăm sóc con cái hơn là theo đuổi sự nghiệp cá nhân. Hình ảnh này, dù còn tồn tại trong nhiều nền văn hóa, đang dần thay đổi trong xã hội hiện đại.
Và đây là những gì được xã hội ghi nhận, là hình ảnh sẽ nhanh chóng nhận diện lên trong đầu chúng ta khi nói về phụ nữ truyền thống, người vợ truyền thống. Đó là “định khuôn”, định khuôn thì có thể có cả tích cực và tiêu cực. Là niềm tin đôi khi không hoàn toàn tương ứng với thực tế, bạn thử nghĩ xem có bao nhiêu người phụ nữ có thể sống trong khuôn mẫu hình ảnh người phụ nữ truyền thống xưa.

Và định khuôn xã hội dần biến thành định kiến khi nó mang sắc thái tiêu cực. Những hình ảnh tuyệt vời của người phụ nữ lại dần trở thành áp lực và đáng sợ trong xã hội ngày nay. Với những người phụ nữ ăn mặc khác lạ, mạnh mẽ, giỏi giang làm kinh tế dần trở thành cái gai và nhận nhiều sự cười chê vì “thiếu” đi sự đảm đang, đoan trang. Hay người phụ nữ không giữ sự trong trắng cho người chồng của mình lại trở lên tồi tệ, không xứng đáng. Bạn có từng nghe về việc người đàn ông cần giữ gìn “trinh nam” cho người vợ của mình chưa?
Hoặc nói đến câu chuyện gần đây khi tổng giám đốc Nguyễn Nhật Anh của nhà sách Nhã Nam rơi vào ồn ào quấy rối nhân viên nữ. Bản thân người đàn ông có hành vi quấy rối lại coi đó như một hành vi thông thường, cũng như cách xã hội chúng ta mô tả đàn ông tán gái giỏi là đào hoa, mà phụ nữ nhiều người yêu sẽ bị nghi ngờ là lẳng lơ vậy. Sự thiên lệch đã có từ rất lâu rồi nhưng một vết nhơ dù vô tình hay hữu ý đối với phụ nữ đôi khi là vết nhơ cả cuộc đời cà ngoài đời và cả trong tâm trí của chính người ấy.
Vậy sẽ ra sao với những người bị xâm hại tình dục, thậm chí là cưỡng bức và cưỡng bức nhiều lần. Chẳng lẽ cuộc sống của họ đã trở nên vô giá trị ngay từ lúc chuyện đó diễn ra?
Xâm hại tình dục là một hành vi tội ác, và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về kẻ gây ra nó. Không ai xứng đáng phải trải qua điều đó, và không nạn nhân nào nên phải cảm thấy xấu hổ hay tự trách móc mình vì điều đó xảy ra.
Nghịch lý của những gia đình truyền thống
Quá trình hồi phục sau một trải nghiệm như vậy là dài và khó khăn, nhưng không phải là không thể. Đầu tiên, nạn nhân cần nhận ra rằng họ không hề có lỗi, và không nên tự trách móc bản thân. Họ cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, và hỗ trợ tâm lý để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, việc chia sẻ quá khứ của mình với một người khác là một quyết định cá nhân và rất nhạy cảm. Không ai bị bắt buộc phải chia sẻ những trải nghiệm đau thương của mình nếu bản thân chưa sẵn sàng.
Trong nhiều gia đình truyền thống, vấn đề tiết hạnh của phụ nữ là điều vô cùng quan trọng, đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều cô gái đã từng bị xâm hại trở thành nạn nhân im lặng. Họ thường cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và sợ hãi phản ứng của gia đình nếu chia sẻ trải nghiệm đau thương này. Nỗi lo bị đổ lỗi, kỳ thị hoặc làm ô danh gia đình khiến họ chọn cách chôn giấu nỗi đau.
Điều này không chỉ ngăn cản họ nhận được sự hỗ trợ cần thiết mà còn để lại những vết thương tâm lý sâu sắc, khó lành. Sự im lặng này cũng vô tình bảo vệ kẻ xâm hại và duy trì vòng luẩn quẩn của bạo lực. Thay đổi nhận thức xã hội và xây dựng môi trường gia đình cởi mở, thấu hiểu là chìa khóa để phá vỡ bức tường im lặng này, giúp các nạn nhân can đảm lên tiếng và tìm kiếm công lý.
Có nên chia sẻ quá khứ bị xâm hại tình dục?
Khi đã sẵn sàng, việc chia sẻ quá khứ với một người đáng tin cậy có thể là một bước quan trọng trong quá trình hồi phục. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là phản ứng của người khác là điều không thể kiểm soát được. Có rất nhiều người thể thể hiện sự cảm thông và ủng hộ, nhưng cũng có một số người có thể không hiểu hoặc phán xét.

Dù kết quả ra sao, các nạn nhân cần nhớ rằng bản thân không hề có lỗi trong trải nghiệm kinh hoàng này, bạn là những con người có giá trị và xứng đáng được tôn trọng, bất kể quá khứ như thế nào.
Nỗi lo lắng của nhiều người càng tăng lên khi bắt đầu có mối quan hệ khác giới, luẩn quẩn với những câu hỏi : “Có nên chia sẻ quá khứ hay không?” , “Người ta sẽ đánh giá mình như thế nào?” , “Bố mẹ anh ấy có chấp nhận người phụ nữ có quá khứ như mình không?” … Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc mở lòng đón nhận tình cảm của đối phương và cho bản thân một cơ hội được hạnh phúc trong một mối quan hệ mới.
Riêng với quá khứ bị xâm hại, bạn có quyền chia sẻ hoặc không chia sẻ với đối phương –nhưng tuyệt đối đừng để vấn đề quá khứ làm ảnh hưởng lên người đàn ông hiện tại. Bởi vì khi trải qua những đau thương người phụ nữ cũng dễ hình thành nên những định kiến vô hình đối với đàn ông. Người đàn ông tốt sẽ yêu thương bạn và cả hai hãy sống cho hiện tại.
Điều quan trọng là tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có kỹ năng và kinh nghiệm thích hợp, như các nhà hỗ trợ tâm lý, để giúp bản thân đối diện với những vấn đề tâm lý liên quan đến trải nghiệm của mình. Khi bạn đã hiểu vấn đề thì việc chia sẻ câu chuyện của mình cũng mang một tâm thái nhẹ nhàng hơn, vì khi đã đón nhận và chấp nhận quá khứ của chính mình thì cũng sẽ không còn quá khắt khe với phản ứng của đối phương.
Làm sao để vượt qua định kiến
Hành trình hồi phục có thể là dài và gian nan, nhưng với sự hỗ trợ đúng đắn và quyết tâm mạnh mẽ hoàn toàn có thể vượt qua những vết thương lòng và tìm lại được bình yên trong tâm hồn.
Định kiến của xã hội là vấn đề của xã hội, nhưng quan trọng nhất chính là vượt qua định kiến chính mình tạo ra cho mình. Tất cả sự phán xét, sự phê phán lên bản thân đều không có giá trị, cho đến khi nạn nhân chấp nhận những điều đó, và coi sự tồi tệ đó chính là mình.
Điều quan trọng nhất là các nạn nhân cần học cách yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình, ghi nhận bản thân là một người mạnh mẽ và can đảm, đã vượt qua những gì mà nhiều người khác không thể chịu đựng được. Và chính sự mạnh mẽ và can đảm đó sẽ giúp bản thân vượt qua quá khứ và tìm lại bình yên trong tâm hồn.

Thông qua liệu pháp tâm lý, các nạn nhân có thể học cách thừa nhận và chấp nhận trải nghiệm của mình, đồng thời phát triển các kỹ năng đối phó và quản lý cảm xúc. Bạn cũng có thể tìm hiểu về các phương pháp giúp xây dựng lại lòng tự trọng và niềm tin vào bản thân, như tập thể dục, nghệ thuật trị liệu, hoặc thiền định, …. Thực hiện luyện tập từng bước, từng giai đoạn không cần phải quá vội vàng. Hãy cho bản thân nhiều kỹ năng mới, biến cuộc sống của mình mỗi ngày đều thật ý nghĩa và có giá trị.
Một điều quan trọng khác là các nạn nhân cần hiểu rằng mỗi người đều xứng đáng được hạnh phúc và có được tình yêu. Bất kể quá khứ có điều gì xảy ra bạn vẫn có quyền được yêu thương và tôn trọng, và không cần cảm thấy xấu hổ hay e ngại khi tìm kiếm một mối quan hệ lành mạnh.
Hãy luôn sống với tình yêu thương !
By Hiền Tâm Lý !